Sơ đồ tư duy Vợ Nhặt đầy đủ nhất
"Vợ nhặt" là một tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân. Cunghocvui xin gửi tới các bạn sơ đồ tư duy Vợ nhặt nhằm khái quát lại nội dung chính một cách đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất, giúp các bạn nắm chắc tác phẩm, thuận tiện hơn trong quá trình học tập môn Ngữ văn 12. Hy vọng với tài liệu tham khảo "Vẽ sơ đồ tư duy Vợ nhặt" này sẽ giúp ích thầy cô và các bạn.
A. Giới thiệu chung về tác giả và tác phẩm
1. Tác giả Kim Lân
Nhà văn Kim Lân
Nhà văn Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Là nhà văn có sở trường về thể loại truyện ngắn, ông được mệnh danh là nhà văn "một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn" ( Nguyên Hồng). Ông chuyên viết phong tục đời sống làng quê Bắc Bộ, về cảnh ngộ và tâm lý của người nông dân. Nhân vật trong các tác phẩm truyện ngắn của ông thường là những con người nhỏ bé, cam chịu nhưng toát lên một vẻ đẹp chân quê giản dị, ấm áp, một đời sống tình người thiết tha.
Với mảnh đất hiện thực đời sống nông dân trước Cách mạng tháng Tám, tưởng như những tên tuổi lớn như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan đã khai thác một cách triệt để, Kim Lân vẫn dành cho mình một mảnh đất riêng. Dù cùng viết về những người nông dân nghèo khổ với gánh nặng cơm áo ghì sát đất, thế giới nhân vật trong văn Kim Lân vẫn không u tối, bần hàn mà vẫn toát lên nét yêu đời, trong sáng và tài hoa. Và "Vợ nhặt" là một trong những tác phẩm thể hiện rõ nhất phong cách nghệ thuật của ông.
2. Tác phẩm "Vợ nhặt"
Lấy bối cảnh là nạn đói khủng khiếp năm 1945 đã cướp đi sinh mạng của gần hai triệu đồng bào, Kim Lân thể hiện một tấm lòng nhân đạo sâu sắc. "Vợ nhặt" có tiền thân là một chương trong tiểu thuyết "Xóm ngụ cư" viết năm 1946 nhưng còn dang dở và bản thảo bị thất lạc. Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (1954), Kim Lân dựa vào phần cốt truyện cũ để viết lại thành truyện ngắn "Vợ nhặt" in trong tập "Con chó xấu xí" năm 1962. Tác phẩm có một nhan đề khá ấn tượng, hé mở một tình huống đầy éo le của tác phẩm. Theo phong tục, chuyện dựng vợ gả chồng là một chuyện thiêng liêng, trọng đại của một đời người ngập tràn niềm vui và hạnh phúc. Nhưng giờ đây, trong năm đói 1945 một hiện tượng nghịch lý đã diễn ra: Người đàn ông nghèo khổ có thể dễ dàng nhặt được vợ ngoài đường, ngoài chợ.
Chỉ với hai chữ "Vợ nhặt" đã thể hiện được giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo cho toàn tác phẩm. Nó không chỉ phản ánh tình cảnh thê thảm, thân phận buồn tủi của người dân nghèo, lên án bất bình với chế độ thực dân phong kiến đã đẩy con người vào cảnh đói khổ cùng cực mà còn thể hiện sự thương xót của nhà văn và ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của họ khi trong tình cảnh khốn cùng họ vẫn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau và khát khao về sự sống. Vì vậy, nhan đề "Vợ nhặt" không thể thay thế.
B. Sơ đồ tư duy Vợ nhặt
1. Nhân vật Tràng
Với tình huống truyện độc đáo, xây dựng trên nghịch lý éo le là nhân vật Tràng - một anh nông dân ngụ cư nghèo khổ, thô kệch, ế vợ tự nhiên lại lấy được vợ một cách dễ dàng, nhanh chóng trong năm đói khủng khiếp năm 1945 cùng với ngôn ngữ đối thoại tự nhiên, hấp dẫn, nhà văn đã thành công trong việc xây dựng nhân vật Tràng - một người nông dân nghèo khổ mà tình nghĩa, biết nâng niu, trân trọng hạnh phúc, có ý thức, trách nhiệm với gia đình, niềm tin hy vọng vào tương lai. Qua nhân vật, tác giả vừa phản ánh và tố cáo hiện thực xã hội nạn đói trước Cách mạng tháng Tám vừa phát hiện và khẳng định phẩm chất tốt đẹp của con người giữa hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh.
2. Nhân vật người vợ nhặt
Sự xuất hiện của người vợ nhặt vô danh nhưng không hề vô nghĩa đã đem lại cho xóm ngụ cư nói chung và gia đình Tràng nói riêng một luồng sinh khí mới. Nghe tiếng trống thúc thuế thị đã nói với mẹ chồng rằng "Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói nữa đấy". Sự hiểu biết này của thị như truyền lửa, truyền niềm tin cách mạng cho người chồng. Thị đã đem tới sự mát lành, ấm áp cho thiên truyện để xua đi sự u ám, tối tăm, chết chóc đang bủa vây không khí xóm làng. Người vợ nhặt là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhà văn Kim Lân. Thông qua nhân vật này, nhà văn thể hiện tiếng nói nhân đạo sâu sắc, cao đẹp. Đó là dù trong hoàn cảnh nào, có tối tăm hay tương sáng, con người luôn hướng về tương lai, về niềm tin chiến thắng và sự sống.
3. Nhân vật bà cụ Tứ
Nhân vật bà cụ Tứ tiêu biểu cho người mẹ nông dân nghèo chất phác đôn hậu và luôn lạc quan, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng. Bà cụ Tứ như một tia hy vọng, chiếu rọi vào cuộc đời tối tăm, nghèo khổ của gia đình bà. Bà cụ Tứ là người gieo mầm sự sống, nhen nhóm và nuôi dưỡng niềm tin, hy vọng cho các con, xua tan đi cái không khí ảm đạm của những ngày đói khát ghê rợn đang đe dọa. Đọc tác phẩm, ta cứ bị ám ảnh và ấn tượng bởi gọi điệu nhẹ nhàng, nhân hậu của người mẹ già, tình thương của bà dành cho gia đình và những điều tình nghĩa mà đã khuyên con, đáng quý, trân trọng hơn khi trong hoàn cảnh đói khổ, người nhân dân vẫn nương tựa vào nhau để thắp sáng lên ngọn lửa của niềm tin, của tình yêu thương, vượt qua ranh giới mong manh của sự sống và cái chết để hướng về tương lai tươi sáng hơn. Đó là vẻ đẹp của tâm hồn người nông dân mà Kim Lân đã phát hiện và trân trọng để tạo nên chiều sâu tư tưởng nhân đạo trong tác phẩm của ông.
Thoạt đầu khi đọc truyện "Vợ nhặt", người ta tưởng Kim Lân mang tới một tình huống hài hước, vui vẻ nhưng khi tác phẩm khép lại, ta mới thấy đó là một cái kết éo le, xót xa từ tình huống của câu chuyện. Tuy nhiên, đọng lại sâu sắc trong tác phẩm là tình yêu thương mãnh liệt, sức sống tiềm tàng của người nông dân nghèo. "Vợ nhặt" xứng đáng là một trong những truyện ngắn hay nhất văn học Việt Nam thời kì kháng chiến không chỉ bởi tình huống truyện độc đáo mà trên hết đó là tấm lòng nhân đạo của Kim Lân dành cho những con người nghèo khổ.
Xem thêm >>>Nghệ thuật viết truyện đặc sắc của Kim Lân trong "Vợ nhặt"
Với sơ đồ tuy duy Vợ nhặt, Cunghocvui đã đem lại cho các bạn bài viết tham khảo đầy đủ và chi tiết nhất. Nếu có đóng góp gì cho bài sơ đồ tư duy bài Vợ nhặt, hãy để lại ở phần bình luận nhé!