Sơ đồ tư duy bài Sóng của Xuân Quỳnh ngắn gọn nhất
"Sóng" là một trong những bài thơ tình hay nhất, tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh. Cunghocvui xin gửi tới các bạn sơ đồ tư duy bài Sóng nhằm khái quát lại nội dung chính một cách đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất, giúp các bạn nắm chắc tác phẩm, thuận tiện hơn trong quá trình học tập môn Ngữ văn 12. Hy vọng với tài liệu tham khảo "Vẽ sơ đồ tư duy bài Sóng" sẽ giúp ích thầy cô và các bạn.
A. Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm
1. Tác giả Xuân Quỳnh.
Nhà thơ Xuân Quỳnh
Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, sinh ra trong một gia đình tại Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội). Sống trong hoàn cảnh sớm mồ côi mẹ nên nữ thi sĩ luôn khao khát một mái ấm yêu thương của gia đình.
Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Giữa khói bom lửa đạn của Trường Sơn, các nhà thơ mải mê, hăng say viết về tinh thần yêu nước và ca ngợi cuộc kháng chiến của dân tộc thì Xuân Quỳnh được ví như "bông hoa lạ nở dọc chiến hào". Bà tìm cho mình một cảm hứng mới, viết nhiều và viết hay về tình yêu. Chủ đề tình yêu là một trong những yếu tố làm nên sự đặc sắc trong thơ Xuân Quỳnh. Đặc điểm nổi bật nhất trong cuộc đời và thơ ca Xuân Quỳnh là sự thành thực. Vừa hồn nhiên, đằm thắm vừa da diết, chân thành. Hạnh phúc bình dị đời thường nhưng rất cao cả. Và "Sóng" là tác phẩm tiêu biểu, hội tụ mọi phong cách nghệ thuật thơ bà.
2. Tác phẩm "Sóng".
"Sóng" được sáng năm 1967 trong một chuyến công tác của Xuân Quỳnh đến vùng biển Diêm Điền, in trong tập "Hoa dọc chiến hào". Trước khi "Sóng" ra đời, Xuân Quỳnh đã phải nếm trải sự đổ vỡ trong tình yêu và hôn nhân. Vì vậy trong "Sóng" có sự từng trải, cảm xúc và khát vọng của người phụ nữ đang yêu. Thể thơ năm chữ nối nhau liên tiếp với dấu chấm duy nhất ở cuối bài gợi liên tưởng tới những con sóng đại dương và con sóng trong lòng nữ sĩ cứ miên man vô hồi, vô tận. Nép sau hình tượng con "Sóng" để nói lên tiếng lòng của mình, Xuân Quỳnh thể hiện khát khao về một tình yêu cao đẹp, hạnh phúc lớn lao của con người.
B. Sơ đồ tư duy Sóng Xuân Quỳnh
1. Tính hiện đại trong "Sóng"
Xuyên suốt bài thơ là sự vận động, phát triển song hành của hai hình tượng sóng và em. Sóng là hóa thân, là ẩn dụ của trái tim người phụ nữ rạo rực, khao khát yêu thương. Khi thì sóng và em phân tách ra, lúc lại cộng hưởng để thể hiện thấm thía hơn tâm trạng, khát vọng và những suy tư của người phụ nữ trong tình yêu. Những tính từ mang trạng thái đối cực: "dữ dội và dịu êm", "ồn ào và lặng lẽ" gợi ra sự thất tường của những con sóng biển. Giống như sóng, người con gái khi yêu lúc vui, lúc buồn, lúc sôi nổi nồng nàn nhưng cũng có lúc lại đằm thắm thiết tha.
Mang trong mình khát vọng lớn lao, những con sóng không chịu gò bó trong một dòng sông tù túng, chật hẹp mà quyết định tìm ra biển lớn để nhận thức và khám phá. Hành trình ra biển lớn để thỏa sức vẫy vùng của con sóng nhỏ cũng là quá trình người phụ nữ về tình yêu đích thực. Họ không chấp nhận sự tầm thường tù túng, họ muốn giải phóng mọi giới hạn để được sống với những tấm lòng đồng điệu, trong tình yêu cao cả và rộng lớn, bao dung. Đây là quan niệm mới mẻ mang đầy tính nhân văn của Xuân Quỳnh, người phụ nữ không cam chịu, cho cuộc đời đưa đẩy phiêu dạt như trái bần trôi mà chủ động đi tìm hạnh phúc cho chính mình.
Có nhà phê bình đã nhận xét tinh tế rằng: "Nếu sóng là sự sống của biển thì nỗi nhớ là sự sống của tình yêu". Trong "Sóng", Xuân Quỳnh có một các diễn dạt nỗi nhớ rất riêng vẫn trong sự song hành của hai hình tượng sóng - em. Đối diện với đại dương, nữ thi sĩ nhận ra rằng, dù có sự tương phản giữa hai vị trí dưới lòng sâu - trên mặt nước thì sóng vẫn chung một nỗi nhớ bờ da diết. Nỗi nhớ ấy bao trùm lên mọi không gian, phủ lên mọi thời gian ngày - đêm. Sóng trong lòng biển đã cồn cào, sóng trong lòng em còn vạn lần da diết hơn. Không ngủ ở cõi thực, thao thức ở cõi mơ, nỗi như như vắt qua hai bờ hư - thực, thường trực trong ý thức, ám ảnh trong tiềm thức, hiện hữu trong từng nhịp thở của người con gái đang yêu. Thế mới biết rằng không có không gian nào rộng hơn nỗi nhớ, thời gian nào dài hơn nỗi nhớ.
2. Tính truyền thống trong "Sóng"
Thơ Xuân Quỳnh nồng cháy, đam mê nhưng vẫn vẹn nguyên lòng thủy chung, son sắt. Nếu không gian đất trời có bốn phương tám hướng thì không gian tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh chỉ có một phương để em hướng về, đó là phương anh. Tình yêu của người phụ nữ thật tự nhiên, bình dị nhưng cũng thật kiên định, phi thường. Trái tim ấy có thể vượt qua mọi bão giông cuộc đời để đến với tình yêu đích thực.
Thiên nhiên vận động theo quy luật vĩnh hằng, cuộc đời tuy dài nhưng tuổi trẻ của con người là hữu hạn. Vì thế không thể ngăn nổi năm tháng đi qua giống như biển kia dẫu rộng vẫn không thể ngăn nổi những đám mây bay về phía chân trời. Phải chăng Xuân Quỳnh đã từng đổ vỡ trong tình yêu nên chị không còn ngây dại mà thấm thía rằng con đường đến với hạnh phúc không chỉ trải đầy hoa hồng mà có khi là gai đâm rỉ máu. Tuy vậy, nhà thơ vẫn tin tưởng ở một tình yêu chân thành, một tấm lòng nhân hậu của mình sẽ vượt qua tất cả, thể hiện khát vọng về một tình yêu bất tử. Tan hòa vào những con sóng để được hóa thân, sống hết mình, mãnh liệt trong tình yêu trường tồn và vĩ đại.
Sóng là một trong những bài thơ tình hay nhất trong nền văn học hiện đại Việt Nam. "Sóng" dẫn dắt người ta đi qua nhiều cách trở cuối cùng gọi về một tình yêu mãnh liệt. Với việc xây dựng hình tượng sóng đôi sóng - em cùng với thể thơ năm chữ và những câu thơ không ngắt nhịp tạo nên những con sóng miên man, dài vô tận. Đó cũng là nhịp điệu trong hồn nữ sĩ. "Sóng" đã thể hiện một tinh thần hiện đại nhưng vẫn truyền thống, như một tiểu thuyết về tình yêu vỗ mãi trong tâm hồn người đọc.
Xem thêm một số tài liệu >>> Ý nghĩa nhan đề Sóng - Xuân Quỳnh
Với sơ đồ tuy duy bài Sóng, Cunghocvui đã đem lại cho các bạn bài viết tham khảo đầy đủ và chi tiết nhất. Nếu có đóng góp gì cho bài sơ đồ tư duy bài Sóng, hãy để lại ở phần bình luận nhé!