Đăng ký

Bài 8: Tiết kiệm

I. KHỞI ĐỘNG

Câu hỏi: Em hãy cùng các bạn nghe/hát bài hát Đội em làm kế hoạch nhỏ (sáng tác Phong Nhã). Em có suy nghĩ gì về ý nghĩa của hoạt động “làm kế hoạch nhỏ” của các bạn thiếu niên trong bài hát?

Trả lời:

Suy nghĩ của em về ý nghĩa của hoạt động “làm kế hoạch nhỏ” của các bạn thiếu niên trong bài hát: Các bạn nhỏ vui tung tăng hớn hở, tích cực, hăng say làm kế hoạch nhỏ, những công việc ý nghĩa như: thu lượm giấy vụn, biết sử dụng tiết kiệm giấy, ước mơ xây dựng một xã hội tươi đẹp, Việt Nam ngày càng phát triển.

II. KHÁM PHÁ

1. Tiết kiệm và biểu hiện của tiết kiệm

Câu hỏi 1: Em hãy đọc câu chuyện và trả lời câu hỏi:

  1. Em có suy nghĩ gì về hành động của bạn Hải?

  2. Em hiểu thế nào là tiết kiệm?

Trả lời:

  1. Suy nghĩ của em về hành động của bạn Hải: Hải là một bạn nhỏ rất biết điều, hiếu thảo, thương mẹ và thương em, Hải đã biết tiết kiệm tiền bằng cách nuôi lợn và số tiền đó Hải kiếm được nhờ sự chăm chỉ thu nhặt chai lọ, giấy vụn, tiền lì xì tất cả được Hải cất đi mà đến bây giờ em gái bị ốm đem đi dùng. 

  2. Tiết kiệm là: biết sử dụng một cách hợp lý, đúng mức của cải, vật chất, thời gian, sức lực của mình và của người khác.

Câu hỏi 2: Em hãy quan sát các bức tranh dưới đây và trả lời câu hỏi:

 a) Em hãy chỉ ra những biểu hiện của tiết kiệm và chưa tiết kiệm trong các bức tranh trên.

b) Em hãy kể thêm những biểu hiện của tiết kiệm và lãng phí.

Trả lời:

a. Những biểu hiện tiết kiệm và chưa biết tiết kiệm trong bức tranh trên: 

  •  Biểu hiện của tiết kiệm: Hình 1, hình 2, hình 5 và hình 6.

  •  Chưa tiết kiệm: Hình 3, hình 4.

b. Những biểu hiện tiết kiệm và lãng phí:

  •  Những biểu hiện tiết kiệm: Tiết kiệm giấy bằng cách viết hết quyển vở; không bỏ sách cũ mà để tặng các bạn nghèo; sử dụng nước tiết kiệm; không mua quá nhiều ăn vặt; dùng tiền mua đồ không dùng đến; quần áo phù hợp với khả năng; tái chế chai lọ;…

  •  Những biểu hiện lãng phí: Để vòi nước tự chảy không khóa vòi khi không sử dụng; vòi nước rò rỉ; không tắt điện khi ra khỏi phòng; để giấy thừa quá nhiều trong vở ghi; đổ đồ ăn thừa đi; sử dụng điện thoại quá nhiều làm tốn thời gian,…

2. Ý nghĩa của tiết kiệm

Câu hỏi 1: Em hãy nghiên cứu các trường hợp dưới đây và trả lời câu hỏi:

Tình huống 1: Anh Hòa là chủ cửa hàng tạp hóa, có thu nhập khá cao nhưng kiếm tiền được bao nhiêu anh đều tiêu hết. Gần đây, công việc kinh doanh của anh không thuận lợi, anh lại lâm bệnh phải nằm viện. Cuộc sống của anh trở nên vô cùng khó khăn vì không đủ tiền để thanh toán viện phí và trang trải các khoản chi tiêu cần thiết.

a. Em có nhận xét gì về cách chi tiêu của anh Hòa?

b. Cách chi tiêu đó đã dẫn đến hậu quả gì?

Trả lời:

 a. Nhận xét của em về cách chi tiêu của anh Hòa như sau: anh Hòa là chủ cửa hàng tạp hóa, doanh thu rất cao nhưng anh không biết cách quản lý tiền, sử dụng tiền không hợp lý nên lúc công việc làm ăn không thuận lợi, anh lại lâm bệnh phải nằm viện, lúc này không có tiền để chi trả.

b. Cách chi tiêu đó dẫn đến hậu quả: khi đau ốm anh không có tiền để chi trả viện phí và trang trải các khoản chi tiêu cần thiết. Hơn nữa, khi chúng ta có công việc gấp cần sử dụng đến tiền lúc đó không biết phải xử lý như thế nào, vì vậy tiết kiệm tiền là điều quan trọng ai cũng cần phải có một khoản tiết kiệm riêng.

Tình huống 2: Quang được mọi người yêu mến vì không chỉ học giỏi mà còn tham gia tích cực các hoạt động của trường, lớp. Bạn chia sẻ: “Mình luôn tiết kiệm thời gian, sắp xếp công việc hợp lý để thực hiện những việc cần làm, những điều mình muốn”. Từ câu chuyện của bạn Quang, em hãy rút ra ý nghĩa của việc tiết kiệm thời gian.

Trả lời:

Từ câu chuyện của Quang, em rút ra ý nghĩa của việc tiết kiệm thời gian là: mình muốn tiết kiệm thời gian, sắp xếp được công việc hợp lý để thực hiện được những việc cần làm, những điều mình muốn. 

Tình huống 3: Phong trào “Hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng” đã lan tỏa từ gia đình đến cộng đồng. Nhờ những hành động tiết kiệm, tiết kiệm năng lượng của mỗi người đã góp phần giảm sức tiêu thụ điện, tiêu thụ năng lượng, giảm thiểu khí thải ô nhiễm môi trường, tiết kiệm một phần lớn chi phí cho gia đình và quốc gia. Em hãy nêu ý nghĩa của việc tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng.

Trả lời:

Ý nghĩa của tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng: trong tình huống này các hộ gia đình đã ủng hộ tích cực phong trào tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, hành động này đã góp phần giảm sức tiêu thụ năng lượng, giảm thiểu khí thải ô nhiễm môi trường, tiết kiệm một phần lớn chi phí cho gia đình và quốc gia.

3. Cách thực hiện tiết kiệm

Câu hỏi 1: Bạn gái làm gì để tiết kiệm tiền? Hãy chia sẻ cách tiết kiệm tiền của em.

Trả lời:

Để tiết kiệm tiền bạn gái trên đã làm: Bạn gái đó đã ghi những thứ cần mua lên giấy và chỉ mua những thứ cần thiết mình đã ghi trên giấy.

=> Cách tiết kiệm tiền của em là: không ăn quà vặt, bảo quản tốt dụng cụ học tập, không mua những vật dụng không cần thiết, bỏ heo đất,..

Câu hỏi 2: Bạn nam đã thực hiện tiết kiệm thời gian như thế nào? Em hãy chia sẻ cách tiết kiệm thời gian của mình.

Trả lời:

Để tiết kiệm thời gian bạn nam trên đã làm: lập thời gian biểu và luôn thực hiện theo thời gian đó, tránh xa tivi, điện thoại khi các việc cần làm chưa hoàn thành. 

=> Cách tiết kiệm thời gian của em: lập cho mình thời gian biểu và thực hiện theo 1 cách hợp lý, không dùng thời gian làm những việc không có ích; không xem tivi quá nhiều; không lạm dụng điện thoại di động vào những trò chơi vô bổ;… 

Câu hỏi 3: Thực hiện tiết kiệm nước

a.  Nội dung các bức tranh nhắc em cần làm gì để tiết kiệm nước?

b.  Em hãy thêm những cách khác để tiết kiệm nước.

Trả lời:

a. Từ nội dung bức tranh trên, để tiết kiệm nước em cần: khóa vòi nước khi không sử dụng; sửa lại vòi nước khi bị rò rỉ nước.

b. Những cách tiết kiệm nước của em: 

  •  Không nên xả nước lãng phí, 

  •  Kiểm tra rò rỉ do bồn vệ sinh

  •  Không nên sử dụng bồn cầu như gạt tàn hay thùng rác

  •  Khóa vòi nước trong khi đánh răng

  •  Sử dụng máy giặt theo công suất lớn nhất

  •  Đặt chai nhựa hoặc phao nổi vào ngăn chứa nước xả của bồn nước

  •  Sử dụng vòi hoa sen tiết kiệm, hiệu quả

  •  Rửa dao cạo râu trong bồn rửa mặt

Câu hỏi 4: Em hãy nêu thêm những cách khác để tiết kiệm điện.

Trả lời:

Cách tiết kiệm điện khác của em: 

  •  Tắt bếp điện sớm một chút. 

  •  Sử dụng quạt thay cho điều hòa nếu thời tiết không quá nóng

  •  Sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện.

  •  Sử dụng thiết bị phát hiện chuyển động để tránh lãng phí điện.

  •  Sử dụng thiết bị điều chỉnh độ sáng đèn điện.

  •  Sử dụng công tắc thông minh.

  •  Sử dụng công cụ giám sát thiết bị điện trong nhà.

  •  Giặt rửa bằng nước lạnh.

  •  Sử dụng nước rửa rau để tưới cây,… 

III. LUYỆN TẬP

Câu hỏi 1: Em hãy cùng các bạn trong nhóm thực hiện nhiệm vụ sau:

a. Liệt kê những biểu hiện lãng phí đồ dùng học tập và cách tiết kiệm đồ dùng học tập của học sinh.

b. Liệt kê những biểu hiện lãng phí thời gian và cách tiết kiệm thời gian của học sinh.

Trả lời:

a. Những biểu hiện lãng phí đồ dùng học tập và cách tiết kiệm đồ dùng học tập của học sinh: 

  •  Những biểu hiện lãng phí đồ dùng học tập là: Viết giấy chưa hết trang đã bỏ, dùng bút vẽ bậy vào tập, xé giấy vứt bừa bãi; sử dụng quá nhiều loại bút mực không cần thiết; sách giáo khoa cũ sẽ bỏ đi; những quyển truyện đọc xong bị bỏ đi,…

  •  Cách tiết kiệm đồ dùng đồ dùng học tập của học sinh: bảo quản dụng cụ học tập tốt, không dùng viết vẽ bậy, thu gom giấy vụn gây quỹ cho lớp, gom các lon vỏ chai làm kế hoạch nhỏ; sử dụng đúng loại bút mực được yêu cầu; những quyển sách và truyện cũ nên để lại quyên góp từ thiện,… 

b. Những biểu hiện lãng phí thời gian và cách tiết kiệm thời gian của học sinh:

  •  Những biểu hiện lãng phí thời gian: Học sinh sử dụng tivi hay thiết bị điện tử quá nhiều; đam mê chơi game; sắp xếp thời gian không hợp lý vào việc học tập và sinh hoạt; quên lịch học bài; ngủ dậy muộn dẫn đến việc đi học muộn,…

  •  Cách tiết kiệm thời gian: lập thời gian biểu cho học tập và công việc khác hợp lý; kiên trì thực hiện đúng thời gian biểu; không sử dụng điện thoại, tivi hay thiết bị điện tử quá nhiều,...

Câu hỏi 2: Em hãy nhận xét hành vi của các bạn dưới đây:

  1. Khi ăn tự chọn ở nhà hàng, Lan chỉ lấy vừa đủ thức ăn.

  2. Dương thường bật điều hòa, quạt trần, tivi suốt ngày ngay cả khi ra sân chơi với các bạn.

  3. Quân rủ Tuấn ra quán chơi điện tử, tiêu hết cả số tiền mẹ mới cho để mua sách.

Trả lời:

Từ các hành vi của các bạn dưới đây em có nhận xét:

a) Khi ăn tự chọn ở nhà hàng, Lan chỉ lấy vừa đủ thức ăn.

=> Bạn là người biết tiết kiệm thức ăn tránh lấy quá nhiều thức ăn sau đó không ăn hết gây lãng phí.

b) Dương thường bật điều hòa, quạt trần, ti vi suốt ngày cả khi ra sân chơi với các bạn. => Hành động của Dương như vậy gây lãng phí điện của nhà trường.

c) Quân rủ Tuấn ra quán chơi điện tử, tiêu hết cả số tiền mẹ cho để mua sách. 

=> Hành vi của Tuấn trước tiên là không trung thực lấy số tiền mẹ cho để mua sách đi chơi điện tử, không những vậy Tuấn còn lãng phí tiền, lãng phí điện, lãng phí thời gian.

Câu hỏi 3: Xử lý tình huống

Tình huống 1: Gia đình Lan sống bằng những đồng lương ít ỏi của bố. Mấy hôm nữa là đến sinh nhật Lan, nhóm bạn thân trong lớp gợi ý Lan tổ chức sinh nhật ở nhà hàng cho “sang trọng”. Nếu em là Lan, em sẽ làm gì?

Tình huống 2: Từ hôm được mẹ mua cho chiếc điện thoại để liên lạc, Hùng không muốn rời nó lúc nào. Ngoài những giờ học trên lớp, Hùng lại mở điện thoại lướt web, lên mạng xã hội tán chuyện với bạn bè, chơi điện tử nên đã sao nhãng chuyện học hành. Cô giáo và bố mẹ nhắc nhở nhưng Hùng vẫn không thay đổi vì cho rằng đó là cách để thư giãn, giảm bớt căng thẳng sau giờ học.

  1. Em có nhận xét gì về việc sử dụng thời gian của Hùng? Điều này sẽ ảnh hưởng gì đến kết quả học tập?

  2. Em có lời khuyên gì cho Hùng?

Tình huống 3: Tuyết luôn nhận mình là sống tiết kiệm, thích mua hàng giá rẻ nhưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bạn thường không chia sẻ đồ dùng của mình với các bạn vì cho rằng cần phải tiết kiệm. Em có đồng ý với cách tiết kiệm của Tuyết không? Vì sao?

Trả lời:

Tình huống 1: Nếu là Lan em sẽ từ chối các bạn, và chia sẻ với các bạn về gia đình mình còn khó khăn nên phải biết tiết kiệm không nên lãng phí tiền vào những thứ chưa quan trọng được; về việc tổ chức sinh nhật mình sẽ tổ chức tại nhà, mình mời các bạn đến ăn một bữa cơm cùng với gia đình.

Tình huống 2: 

  1.  Từ việc sử dụng thời gian của Hùng em có nhận xét: Hùng đang rất lãng phí thời gian, việc Hùng có điện thoại và sử dụng nó quá nhiều làm kết quả học tập của Hùng ngày càng giảm sút, hơn nữa việc quá đam mê chơi game còn làm Hùng dễ bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội, dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội.

  2.  Lời khuyên của em dành cho Hùng: Hùng nên hiểu được tầm quan trọng của việc dành thời gian cho việc học, nó rất có ích cho tương lai của bạn, không nên lãng phí thời gian vào những việc vô bổ như vậy, hãy dành thời gian đó tập trung vào việc học tập, rèn luyện và giúp đỡ bố mẹ.

Tình huống 3: Em không đồng tình với cách tiết kiệm của Tuyết. Vì hành động của Tuyết không thể hiện sự tiết kiệm mà thể hiện sự keo kiệt, ích kỷ.

IV. VẬN DỤNG

Câu hỏi 1: Em hãy cùng các bạn trong lớp xây dựng và thực hiện dự án thực hành tiết kiệm “làm kế hoạch nhỏ” (Ví dụ: thu gom sách, báo, truyện cũ,...)

Trả lời:

 (HS tự liên hệ bản thân)

Câu hỏi 2: Em hãy cùng các bạn thiết kế một số sản phẩm tuyên truyền về tiết kiệm điện, nước.

Trả lời: 

 (HS tự liên hệ bản thân)

Trên đây là gợi ý cách soạn GDCD 6 “Bài 8: Tiết kiệm” trong chương trình sách mới Cánh diều mà các bạn học sinh có thể tham khảo. Hy vọng rằng bài viết sẽ giúp các bạn học sinh hiểu rõ hơn về bài học này!

Có thể bạn quan tâm

Không có bài viết nào