Đăng ký

Bài 6: Tự nhận thức bản thân

I. KHỞI ĐỘNG

Câu hỏi: Em hãy viết lời giới thiệu những điều hài lòng, chưa hài lòng về bản thân và chia sẻ với bạn bên cạnh.

Trả lời:

- Những điều hài lòng về bản thân em: Có sự cố gắng trong học tập; đạt danh hiệu học sinh giỏi; được các bạn và thầy cô yêu quý; biết giúp đỡ bạn bè; lắng nghe chia sẻ với bạn; biết tự lập không ỷ lại, dựa dẫm người khác; có kế hoạch và mục tiêu cụ thể cho tương lai,…

- Những điều chưa hài lòng về bản thân em: Đôi khi còn chán nản trong học tập; khi gặp bài khó dễ dàng bỏ cuộc; hay nổi nóng và cáu giận với mọi người xung quanh; chưa có sự tự tin về khả năng của bản thân,…

II. KHÁM PHÁ

1. Tự lập và biểu hiện của tự lập

Câu hỏi 1: Em hãy đọc câu chuyện sau và trả lời câu hỏi: 

  1. Vì sao “con gà” đại bàng không thực hiện được mong ước có thể bay như những chú đại bàng khác.

  2. Qua câu chuyện em rút ra bài học gì cho bản thân?

Trả lời:

  1.  Trong câu chuyện trên “Con gà” đại bàng không thực hiện được mong ước có thể bay như những chú đại bàng khác vì: nó đại bàng được mẹ gà nuôi dưỡng từ khi còn trong trứng nên nó luôn nghĩ nó là gà chứ không phải là một loài chim nên không thể bay, bên cạnh đó nó luôn phải nghe những lời chê bai của đàn gà nên nó không nhận thức được khả năng của bản thân mình, vì vậy đại bàng không thể cất cánh bay như những con đại bàng khác.

  2.  Qua câu chuyện em rút ra bài học cho bản thân: Không nên nghe những lời nhận xét từ bên ngoài không đúng về bản thân mình, để từ đó có sự nhận thức sai về khả năng của bản thân.

Câu hỏi 2: Trong cuộc tranh luận “Thế nào là người biết tự nhận thức bản thân?”, lớp Ngân có ba ý kiến sau:

  1. Tự nhận thức bản thân là biết nhìn nhận, đánh giá về khả năng, thái độ, hành vi, việc làm, điểm mạnh, điểm yếu,... của bản thân.

  2. Tự nhận thức bản thân là luôn hiểu rõ mình và tự tin với điểm mạnh của mình.

  3. Tự nhận thức bản thân là nhận ra những điểm tốt, chưa tốt của bản thân, so sánh với người khác và điều chỉnh bản thân cho giống họ.

a. Em đồng tình với ý kiến nào? Vì sao?

b. Theo em, tự nhận thức bản thân là gì?

Trả lời:

a. Em đồng tình với ý kiến:

  • Ý kiến 1- tự nhận thức bản thân là tự nhìn nhận, đánh giá về khả năng, thái độ, hành vi, việc làm, điểm mạnh và điểm yếu … của bản thân;

  • Ý kiến 2 - tự nhận thức bản thân là luôn hiểu rõ mình và tự tin với điểm mạnh của mình.

b. Theo em, tự nhận thức bản thân là: biết nhìn nhận đánh giá đúng về bản thân mình (khả năng, hiểu biết, tính cách, sở thích, thói quen, điểm mạnh, điểm yếu,...)

2. Ý nghĩa của tự nhận thức bản thân

Câu hỏi: Trong một cuộc trao đổi, thảo luận về ý nghĩa của tự nhận thức bản thân, các bạn học sinh lớp 6A đã tổng hợp được các ý kiến về ý nghĩa của tự nhận thức bản thân như sau:

Khi biết tự nhận thức bản thân, bạn sẽ:

  • Ý kiến 1: Có cái nhìn trung thực về ưu điểm, nhược điểm của mình.

  • Ý kiến 2: Xác định được những việc cần làm để hoàn thiện bản thân.

  • Ý kiến 3: Dễ đồng cảm và chia sẻ với người khác.

  • Ý kiến 4: Có những việc làm và cách ứng xử phù hợp với mọi người xung quanh.

Em có đồng ý/ không đồng ý với ý kiến nào? Vì sao?

Trả lời:

Từ những ý kiến của các bạn lớp 6A em có suy nghĩ sau:

- Em đồng ý với ý kiến 1 và ý kiến 2. Vì khi tự nhận thức được bản thân chúng ta sẽ nhìn nhận rõ ràng và khách quan nhất về những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân mình, từ đó biết rõ những mong muốn, những khả năng, khó khăn và thử thách của bản thân để đặt ra mục tiêu, chỉ ra những việc cần làm để hoàn thiện bản thân hơn.

- Trong trường hợp này em không đồng tình với ý kiến 3, 4. Vì nó không đúng với ý nghĩa của việc chúng ta tự nhận thức bản thân.

3. Cách tự nhận thức bản thân

Câu hỏi 1: Em hãy đọc thông tin dưới đây và trả lời câu hỏi:

  1. Hoa đã tự nhận thức bản thân bằng cách nào?

  2. Em còn biết thêm cách nào khác để tự nhận thức bản thân? Hãy chia sẻ với các bạn.

Trả lời:

  1.  Hoa đã tự nhận thức bản thân bằng cách: Hoa thường ghi nhật ký hằng ngày, thường xuyên trao đổi với mọi người thân, thầy cô và các bạn, lắng nghe ý kiến mọi người để điều chỉnh bản thân, tham gia các hoạt động để khám phá bản thân.

  2.  Một số cách khác để nhận biết bản thân: Xây dựng bảng mục tiêu kế hoạch cho bản thân và theo dõi bản thân mình có làm đúng bảng mục tiêu, có sự tiến bộ không; Lắng nghe những nhận xét, góp ý, đánh giá của người khác để nhận biết bản thân; tham gia các hoạt động tập thể; làm những bài test về bản thân,…

Câu hỏi 2: Em hãy đọc thông tin dưới đây và trả lời câu hỏi:

  1.  Em có nhận xét gì về hành động, việc làm của Bình?

  2.  Em có đồng tình với hành động, việc làm đó không? Vì sao?

Trả lời:

  1.  Nhận xét của em về việc làm của bạn Bình là: Bình đang quá đam mê vì thần tượng, không có chính kiến, biến cuộc sống của mình thành cuộc sống của người khác, vì vậy Bình nên sống thực với bản thân, không nên vì thần tượng mà thay đổi bản thân.

  2.  Em không đồng tình với hành động, việc làm đó của Bình, vì Bình đã không nhận thức được bản thân mình có đúng như vậy không mà chỉ vì thần tượng.

III. LUYỆN TẬP

Câu hỏi 1:Quan sát bức tranh và trả lời câu hỏi

  1. Em hãy nhận xét việc làm của các nhân vật trong các bức tranh và cho biết hậu quả của những việc làm đó.

  2. Em có lời khuyên gì đối với các nhân vật trong mỗi bức tranh để giúp họ vượt qua chính mình?

Trả lời:

a. Nhận xét của em về việc làm các nhân vật trong các bức tranh và cho biết hậu quả những việc làm đó là: 

  • Hình 1. Bạn Huy đã chấp nhận tất cả những điều mà người khác nói về mình kể cả những điều không đúng mà không giải thích cho họ biết thì lâu dần mọi người có cái nhìn sai về bản thân mình.

  • Hình 2. Lan đang cố “giấu dốt” không bao giờ hỏi những điều mà mình còn băn khoăn chưa biết, vì vậy có thể Lan sẽ hiểu sai vấn đề người khác nói hoặc sẽ không hiểu bài học dẫn đến kết quả học tập không được tốt. 

  • Hình 3. Vy học đàn vì bố mẹ muốn mà không đam mê một thời gian sẽ bị chán nản và không có kết quả tốt.

b. Những lời khuyên của em cho các nhân vật trong bức tranh để họ vượt qua chính mình:

  • Hình 1. Huy nên nghe những lời nói đúng về bản thân mình, nếu việc làm của mình đang sai thì Huy nên lắng nghe và sửa đổi, những lời nói sai về bản thân Huy nên giải thích rõ ràng cho họ hiểu Huy không như vậy.

  • Hình 2. Lan nên dũng cảm nói ra những điều mình đang băn khoăn chưa hiểu, đó thể hiện tinh thần cầu thị và thầy cô giáo sẵn sàng giải thích cho Lan hiểu rõ vấn đề, như vậy kết quả học tập của Lan sẽ có những tiến bộ hơn.

  • Hình 3. Vy không nên học đàn chỉ vì bố mẹ mình mong muốn, Vy nên chia sẻ với bố mẹ những điều mình thích và đam mê riêng của mình. 

Câu hỏi 2: Những tình huống nào dưới đây cho thấy các bạn chưa biết cách tự nhận thức bản thân? Vì sao?

  1.  Minh rất muốn được hát trước lớp nhưng lại sợ bị các bạn chê là hát không hay nên Minh chưa dám thực hiện mong muốn của mình.

  2.  Sau mỗi lần cô giáo trả bài kiểm tra, Quang thường dành thời gian để so sánh, đối chiếu với bài của các bạn được điểm cao để tìm ra những điểm chưa đúng, chưa hay và nhờ các bạn giải thích những điều mà Quang chưa hiểu.

  3.  Mỗi khi nhận được lời nhận xét của các bạn trong lớp về những điều cần phải cố gắng, Loan thường tỏ ra khó chịu và không quan tâm đến những điều các bạn góp ý.

Trả lời:

Những tình huống cho thấy các bạn chưa biết cách tự nhân thức bản thân: tình huống 1 và tình huống 3. 

  •  Trong tình huống 1: Minh rất muốn hát nhưng còn nhút nhát không dám thể hiện bản thân, sợ bị các bạn chê là hát không hay, cho thấy Minh chưa hiểu rõ bản thân mình, chưa tin tưởng vào khả năng của mình.

  •  Trong tình huống 3: Loan thường tỏ ra khó chịu và không quan tâm đến điều người khác góp ý, cho thấy Loan là bạn nhỏ có tính bảo thủ, chưa thật sự hiểu về bản thân mình, nếu Loan lắng nghe và sửa đổi những điều mình thiếu thì Loan sẽ tiến bộ hơn.

IV. VẬN DỤNG

Câu hỏi 1: Mỗi ngày dành hãy dành 15p để suy nghĩ về những trải nghiệm của bản thân, bao gồm những điều mong muốn, những điều tốt lành, những điều chưa tốt… và ghi vào nhật ký. Sau mỗi tháng em hãy xem lại để biết bản thân thay đổi như thế nào.

Trả lời:

HS tự liên hệ bản thân.

Câu hỏi 2: Em hãy tham gia các hoạt động tập thể và ghi lại những trải nghiệm, đặc điểm, khả năng mới mà em khám phá được ở bản thân.

Trả lời: 

Em tham gia các hoạt động tập thể như:

  •  Cắm trại cùng cả lớp vào ngày kỉ niệm thành lập Đoàn.

  •  Tham gia văn nghệ của lớp.

  •  Tham gia viết báo tường

Khi tham gia các hoạt động tập thể đó em đã được trải nghiệm cùng các bạn, đồng thời em cũng  khám phá được khả năng mới của bản thân mình. 

Khi tham gia các hoạt động tập thể đó em cảm thấy rất vui, thấy mình ngoài khả năng hát ra mình còn có khả năng đóng kịch,….

Có thể bạn quan tâm

Không có bài viết nào
shoppe