Bài 22: Đa dạng động vật không xương sống
Câu hỏi mở đầu: Những đặc điểm nào sau đây của động vật giúp em phân biệt được động vật với thực vật?
-
Sinh vật đa bào.
-
Thức ăn của chúng là các sinh vật khác.
-
Có khả năng di chuyển.
Trả lời:
Đặc điểm giúp phân biệt động vật và thực vật là:
-
Thức ăn của chúng là các sinh vật khác (vì động vật không có lục lạp nên không quang hợp tự tổng hợp được chất dinh dưỡng, chúng là sinh vật dị dưỡng phải sử dụng các sinh vật khác làm thức ăn).
-
Có khả năng di chuyển (thực vật sống cố định, không có khả năng di chuyển như động vật).
I. Phân chia thực vật thành từng nhóm phân loại
Câu hỏi 1: Lấy ví dụ động vật không xương sống và nêu môi trường sống của chúng.
Trả lời:
Ví dụ về động vật không xương sống:
-
Sống trong đất: Giun đất, bọ hung, …
-
Sống dưới nước: cua, tôm, ốc, sứa, bạch tuộc, rươi, …
-
Sống trên cạn: nhện, sâu, ốc sên, rết, bướm, …
Câu hỏi 2: Nêu đặc điểm giúp em nhận biết động vật ngành Ruột khoang.
Trả lời:
Đặc điểm ngành Ruột khoang là:
-
Không có xương sống.
-
Cơ thể đối xứng tỏa tròn.
Câu hỏi 3: Quan sát hình 22.2 và mô tả hình dạng của hải quỳ, sứa.
Trả lời:
Hải quỳ: hình dạng giống một bông hoa, cơ thể hình trụ, đối xứng tỏa tròn, kích thước khoảng 2cm – 5 cm, có thân và đế bám, lỗ miệng có nhiều tua miệng xếp đối xứng nhau và có màu rực rỡ như cánh hoa, trên thân có tế bào gai tự vệ và bắt mồi.
Sứa có cơ thể hình dù, đối xứng tỏa tròn, thường có màu trong suốt, miệng ở phía dưới, tua miệng dài, có tế bào tự vệ, di chuyển bằng cách co bóp dù.
II. Các ngành Giun
Câu hỏi 1: Quan sát hình 22.3 và nêu đặc điểm nhận biết sán dây, giun đũa, giun đất.
Trả lời:
Sán dây: cơ thể dẹp và mềm, phân đốt, chiều dài có thể 4-12m, đầu sán hơi dẹt, đường kính khoảng 1 đến 2 mm, có giác bám, không có vòng móc.
Giun đũa có cơ thể hình ống, không phân đốt, chiều dài 20-30cm, thuôn nhọn 2 đầu.
Giun đất có cơ thể hình ống dài 15-30cm, phân đốt, có các đôi chi bên.
Câu hỏi 3: Em hãy tìm hiểu các biện pháp phòng tránh các bệnh sau:
-
Bệnh do sán dây, sán lá gan gây nên.
-
Bệnh do giun đũa, giun kim gây nên.
Trả lời:
1. Bệnh do sán lá gan, sán dây gây nên. Người và động vật khi ăn phải trứng, ấu trùng sán chứa trong các thực phẩm sống, chưa được nấu chín kĩ. Trứng và ấu trùng đi vào cơ thể sẽ phát triển và gây bệnh cho người và động vật.
Biện pháp phòng tránh:
-
Vệ sinh phòng bệnh: ăn chín, uống chín, không dùng phân người nuôi cá, không phóng uế bừa bãi xuống các nguồn nước.
-
Tuyên truyền giáo dục sức khỏe: về tác hại và đường lây truyền của bệnh; không ăn cá chưa nấu chín như gỏi cá, cá rán hoặc nấu chưa chín dưới mọi hình thức nào; không ăn rau sống mọc dưới nước, không uống nước lã, không ăn gan sống.
-
Uống thuốc tẩy giun sán định kỳ cho cả người và vật nuôi.
-
Tăng cường thể dục thể thao, ăn uống lành mạnh để nâng cao sức khỏe, sức đề kháng bản thân trước những tác nhân gây bệnh.
2. Bệnh do giun đũa, giun kim gây nên chủ yếu qua con đường ăn uống, ăn phải thực phẩm nhiễm trứng và ấu trùng giun.
Biện pháp phòng tránh:
-
Vệ sinh tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, lau dọn nhà cửa, vật dụng, đồ chơi của trẻ thường xuyên với nước sát trùng.
-
Luôn ăn thức ăn đã nấu chín, nước đun sôi để nguội.
-
Hạn chế ăn rau sống; nếu cần, nên rửa rau kỹ lưỡng nhiều lần với nước rửa rau chuyên dụng.
-
Không đi chân trần; nếu làm vườn, dọn rác, cây cỏ, cần đi ủng, mang khẩu trang, găng tay. Không được dùng phân tươi để bón rau, bón cây.
-
Đối với nhà vệ sinh, cống rãnh thoát nước, cần thường xuyên quét dọn, xử lý hóa chất diệt trùng thân thiện môi trường.
-
Đồng thời, cần có thói quen uống thuốc tẩy giun định kỳ mỗi sáu tháng cho cả gia đình. Thuốc có tác dụng không chỉ trên giun đũa và còn giúp diệt trừ các loại giun sán khác.
-
Tăng cường thể dục thể thao, ăn uống lành mạnh để nâng cao sức khỏe, sức đề kháng bản thân trước những tác nhân gây bệnh.
III. Ngành thân mềm
Câu hỏi 1: Nêu những đặc điểm hình thái của ba loài động vật có trong hình 22.4.
Trả lời:
Ốc sên: Vỏ ốc mỏng, có 4 đến 5 vòng xoắn, màu sắc thay đổi nhưng thường màu xám hạt dẻ nhạt, hay nâu có những vệt hay đốm vàng. Thân ốc mềm và nhớt màu nâu xám, thu hết vào bên trong vỏ khi không hoạt động. Khi hoạt động sên thò đầu và chân ra khỏi vỏ, đầu có 2 đôi râu vòi. Các râu vòi có thể thu rút vào trong đầu.
Con mực: Cơ thể gồm 2 phần: phần đầu có nhiều tua dài và phần thân trơn nhẵn. Phần đầu có 8-10 tay với những hàng giác bám, tay xúc giác dài hơn thân. Miệng ở dưới bụng. Phần thân mềm chiếm 70% trọng lượng, có hình bầu dục, mặt lưng có nhiều vân gợn sóng.
Sò: hai mảnh vỏ có thể khép, mở, vỏ sò đa dạng về kích cỡ, màu sắc, hoa văn.
Câu hỏi 2: Nêu những đặc điểm giúp em nhận biết động vật ngành Thân mềm.
Trả lời:
Đặc điểm của các động vật ngành Thân mềm:
-
Cơ thể mềm.
-
Không phân đốt.
-
Đa số có lớp vỏ cứng bên ngoài bảo vệ cơ thể.
Câu hỏi 3: Gọi tên các loài động vật trong hình 22.5 và nêu vai trò của các động vật trong đó.
Trả lời:
Một số động vật thân mềm:
-
Sên trần: phá hại mùa màng, rau củ, thực vật.
-
Trai: thực phẩm, trang sức (ngọc trai), lọc nước (trai ăn mùn bã hữu cơ ở tầng đáy nước).
-
Ốc: Thực phẩm.
-
Bạch tuộc: thực phẩm.
-
Hàu: thực phẩm, làm thuốc.
Câu hỏi 4: Kể tên một số động vật thân mềm có ở địa phương em. Nêu vai trò và tác hại của các loài đó trong thực tiễn.
Trả lời:
Một số động vật thân mềm ở địa phương:
-
Ngao: thực phẩm, sạch môi trường nước.
-
Sò: thực phẩm, đồ trang trí.
-
Mực: thực phẩm, làm thuốc.
Câu hỏi 5: Quan sát mẫu vật thật (mực, trai, ốc,…) hoặc mẫu vật ngâm, video, tranh ảnh và lập bảng về những đặc điểm hình thái cả đại diện quan sát theo gợi ý trong bảng 22.1.
Trả lời:
Tên động vật thân mềm | Đặc điểm hình thái ngoài |
Trai | 2 mảnh vỏ, chân hình lưỡi rìu có màu hơi vàng có tác dụng giúp di chuyển trong cát. Vỏ gồm 2 mảnh được gắn lại với nhau bởi dây chằng, vỏ có lớp sừng bao bọc ở mặt ngoài, mặt trong là lớp xà cừ. |
Ốc | Vỏ cứng bằng đá vôi, xoắn hình nón hoặc ống trụ quanh một trục chính, chức thân mềm bên trong |
Bạch tuộc | Thân ngắn, mềm, hình oval, có 8 xúc tu, trên xúc tu có nhiều giác mút bám rất chắc vào các vật. |
IV. Ngành Chân khớp
Câu hỏi 1: Gọi tên các động vật trong hình 22.6, mô tả đặc điểm hình thái, nêu ích lợi và tác hại của chúng.
Trả lời:
Hình a: Con cua có lớp kitin cứng bao bọc toàn bộ cơ thể, 2 càng lớn, 8 chân phân đốt, mai cứng màu nâu sẫm. Cua dùng làm thực phẩm, làm thuốc.
Hình b: Con châu chấu có màu xanh vàng hoặc nâu, râu hình sợi chỉ, hai bên đỉnh đầu về phía mắt kép có hai vệt sọc màu nâu kéo dài suốt ba đốt ngực, có cánh, 6 chân phân đốt, 2 chân sau phát triển dạng càng dài, lớn giúp chúng bật nhảy xa. Cào cào dùng làm thực phẩm, làm thuốc và còn gây hại cho mùa màng cây trồng.
Hình c: Con nhện có hai phần: phần đầu ngực và phần bụng, chúng có tám chân phân đốt, đôi kìm có tuyến độc, miệng không hàm nhai, không cánh. Nhện bắt các loại côn trùng bảo vệ cây trồng và còn dùng làm thuốc.
Hình d: Con tôm có toàn bộ cơ thể được bảo vệ bằng lớp vỏ kitin cứng, 10 chân phân đốt, có râu dài, phần đầu mai nhô ra sắc nhọn. Tôm dùng để làm thực phẩm.
Câu hỏi 2: Quan sát mẫu vật thật (tôm, cua, nhện, châu chấu) hoặc lọ ngâm mẫu vật; mẫu khô; mô hình; video, tranh ảnh và mô tả hình thái ngoài của đại diện thuộc ngành Chân khớp mà em quan sát được.
Trả lời:
-
Cua có lớp kitin cứng bao bọc toàn bộ cơ thể, 2 càng lớn, 8 chân phân đốt, mai cứng màu nâu sẫm.
-
Châu chấu có màu xanh vàng hoặc nâu, râu hình sợi chỉ, hai bên đỉnh đầu về phía mắt kép có hai vệt sọc màu nâu kéo dài suốt ba đốt ngực, có cánh, 6 chân phân đốt, 2 chân sau phát triển dạng càng dài, lớn giúp chúng bật nhảy xa.
-
Nhện có hai phần: phần đầu ngực và phần bụng, chúng có tám chân phân đốt, đôi kìm có tuyến độc, miệng không hàm nhai, không cánh.
-
Tôm có toàn bộ cơ thể được bảo vệ bằng lớp vỏ kitin cứng, 10 chân phân đốt, có râu dài, phần đầu mai nhô ra sắc nhọn.
Câu hỏi 3: Nhận biết tên các động vật thuộc ngành Chân khớp trong hình 22.7 (gợi ý tên của các động vật: ve bò, ong, mọt ẩm, ve sầu, bọ ngựa, ruồi).
Trả lời:
Hình a. Mọt ẩm Hình b. Ruồi. Hình c. Ve bò.
Hình d. Ve sầu. Hình e. Bọ ngựa. Hình g. Ong.
Câu hỏi 4: Lập bảng phân biệt các ngành Động vật không xương sống theo các tiêu chí sau: đặc điểm nhận biết, các đại diện.
Trả lời:
Các ngành động vật không xương sống | Đặc điểm nhận biết | Các đại diện |
Ruột khoang | Cơ thể mềm, đối xứng tỏa tròn | Thủy tức, sứa, hải quỳ… |
Giun | Cơ thể dài, đối xứng hai bên, phân biệt đầu - thân | Sán dây, giun đũa, giun đất… |
Thân mềm | Cơ thể mềm, không phân đốt, đa số có loài có lớp vỏ cứng bên ngoài bảo vệ cơ thể | Ốc sên, mực, sò, bạch tuộc, trai,... |
Chân khớp | Bộ xương ngoài bằng chất kitin bảo vệ cơ thể, các chân phân đốt, có khớp động. | Nhện, cua, châu chấu, tôm, ong, ruồi, bọ ngựa,... |
Câu hỏi 5: Lấy ví dụ động vật chân khớp có ở địa phương em và nêu ích lợi hoặc tác hại của chúng đối với con người.
Trả lời:
Một số động vật chân khớp ở địa phương:
-
Ong: tiêu diệt một số côn trùng khác bảo vệ cây trồng, thụ phấn giúp cây, sản xuất mật ong tuy nhiên có thể đốt bị thương con người, vật nuôi.
-
Ruồi: truyền nhiễm mầm bệnh, gây ô nhiễm môi trường.
-
Bọ ngựa: tiêu diệt một số côn trùng bảo vệ cây trồng.
-
Tôm: làm thực phẩm, làm thuốc.
-
Muỗi: hút máu, truyền bệnh cho người và vật nuôi.
Trên đây là cách soạn Khoa học tự nhiên lớp 6 bài “Đa dạng động vật không xương sống” trong chương trình sách mới Cánh diều mà các bạn học sinh có thể tham khảo. Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bài học này!