Đăng ký

Bài 21: Thả diều

I. Khởi động

Câu hỏi: Các bạn trong tranh đang chơi trò chơi gì? Em biết gì về trò chơi này?

Trả lời:

- Các bạn trong tranh đang chơi thả diều

- Trò chơi này cần có cánh diều; Diều được làm từ một khung tre dán kín giấy có buộc dây dài. Cầm dây kéo diều ngược chiều gió thì diều sẽ bay lên cao. Một số điều còn được gắn cây sáo, gọi là diều sáo. Khi lên cao, gió thổi qua ống sáo khiến diều phát ra tiếng kêu “vu vu” rất vui tai. Trò chơi thả diều thường diễn ra ở không gian rộng như triền đề, cánh đồng lúa, bãi cỏ,...

II. Đọc văn bản

Thả diều

Cánh diều no gió

Sáo nó thổi vang

Sao trời trôi qua

Diều thành trăng vàng.

Cánh diều no gió

Tiếng nó trong ngần

Diều hay chiếc thuyền

Trôi trên sông Ngân.

Cánh diều no gió

Tiếng nó chơi vơi

Diều là hạt cau

Phơi trên nong trời.

Trời như cánh đồng

Xong mùa gặt hái

Diều em – lưỡi liềm

Ai quên bỏ lại.

Cánh diều no gió

Nhạc trời réo vang

Tiếng diều xanh lúa

 Uốn cong tre làng.



 

(Trần Đăng Khoa)

Từ ngữ:

- Sông Ngân (dải Ngân Hà): dài trắng bạc, vắt ngang bầu trời, được tạo nên từ nhiều ngôi sao, trông giống một con sông.

- Nong: vật dụng làm từ tre nứa, có hình tròn, dùng để phơi thở lúa.

1. Trả lời câu hỏi

Câu hỏi 1: Kể tên những sự vật giống cánh diều được nhắc tới trong bài thơ.

Trả lời:

Những sự vật giống cánh diều được nhắc đến trong bài thơ là: trăng vàng, chiếc thuyền, hạt cau, lưỡi liềm.

Câu hỏi 2: Hai câu thơ “Sao trời trôi qua/ Diều thành trăng vàng” tả cảnh diều vào lúc nào?

a. Vào buổi sáng

b. Vào buổi chiều

c. Vào buổi đêm

Trả lời:

Hai câu thơ đó tả cánh diều vào buổi đêm.

=> Chọn đáp án: c. Vào buổi đêm

Câu 3: Khổ thơ cuối bài muốn nói điều gì?

a. Cánh diều làm thôn quê đông vui hơn.

b. Cánh diều làm thôn quê giàu có hơn.

c. Cánh diều làm cảnh thôn quê tươi đẹp hơn.

Trả lời:

Cánh diều làm cảnh thôn quê tươi đẹp hơn.

=> Chọn đáp án: c. Cánh diều làm cảnh thôn quê tươi đẹp hơn.

Câu hỏi 4: Em thích nhất khổ thơ nào trong bài? Vì sao?

Trả lời:

- Em thích nhất khổ thơ thứ nhất vì em thấy hình ảnh diều thành trăng vàng rất đẹp.

- Em thích nhất khổ thơ thứ 2 vì em thích hình ảnh cánh diều giống chiếc thuyền trôi trên sông Ngân, cảm giác rất lung linh và huyền ảo.

2. Luyện tập theo văn bản đọc

Câu hỏi 1: Từ ngữ nào được dùng để nói về âm thanh của sáo diều?

Trả lời:

Từ ngữ được dùng để nói về âm thanh của tiếng sáo diều là: trong ngần.

Câu hỏi 2: Dựa theo khổ thơ thứ tư, nói một câu tả cảnh diều.

Trả lời:

- Cánh diều giống cái lưỡi liềm bị bỏ quên sau mùa gặt.

- Cánh diều cong cong giống miếng cau bà ăn mỗi chiều.

- Cánh diều giống chiếc thuyền trên sông.

III. Viết

Hướng dẫn viết:

- Cấu tạo: gồm nét móc ngược trái, nét thẳng, nét xiên phải, nét móc ngược phải.

- Cách viết: Đặt bút trên đường kẻ dọc 2, dưới đường kẻ ngang 4, viết một nét lượn dọc theo đường kẻ dọc 2, viết tiếp luôn nét thắt và lượn ngang, dừng bút trên đường kẻ dọc 3, dưới đường kẻ ngang 2 (Lưng nét cong trái chạm đường kẻ dọc 1; Chỗ bắt đầu viết nét lượn dọc phải ngang bằng với điểm đặt bút).

IV. Nói và nghe

Câu hỏi 1: Nghe kể chuyện

Câu hỏi 2: Chọn kể 1 – 2 đoạn của câu chuyện theo tranh

Trả lời:

* Đoạn 1 – Tranh 1:

Ếch ộp sinh sống dưới nước, sơn ca bay lượn trên bầu trời, nai vàng sống trong rừng sâu, mỗi bạn một nơi sinh sống khác nhau. Thế nhưng, ba bạn lại là những người bạn thân thiết của nhau. Hằng ngày, các bạn thường cùng nhau vui đùa và kể cho nhau nghe những gì mình được chứng kiến.

* Đoạn 2 – Tranh 2:

Sơn ca cất tiếng véo von kể cho hai bạn nghe về những chuyện nơi mình đã bay qua. Ếch ộp cất giọng ồm ồm kể chuyện mẹ con nhà cua, nhà cá, chuyện nhà ốc,… Nai vàng chầm chậm kể chuyện rừng núi hùng vĩ và bí hiểm. Nhờ vậy, ba bạn cũng hiểu thêm được rất nhiều điều thú vị ở những nơi mình chưa được đặt chân tới.

* Đoạn 3 – Tranh 3:

Thế nhưng sơn ca, nai vàng và ếch ộp lại muốn tận mắt chứng kiến những cảnh mà mình đã được nghe kể. Ba bạn cùng bàn bạc để đổi chỗ ở cho nhau: chim sơn ca thì xuống nước, ếch ộp vào rừng, nai vàng thì tập bay.

Sơn ca dang cánh lao xuống nước nhưng nó vội vàng phải bay lên ngay. Mình mẩy ướt sũng và ho sặc. Nó chợt hiểu ra mình không biết bơi nên chẳng thể sống dưới nước được.

Nai vàng trèo lên mỏm đá để tập bay. Nó co chân rồi tung mình vào khoảng không như sơn ca thường làm. Thế nhưng nó lại bị ngã xuống cỏ đau điếng. Nó hiểu ra rằng mình không biết bay làm sao có thể bay lượn trên bầu trời như bạn mình.

Cùng lúc đó, ếch ộp cũng nhảy từ trong rừng ra và nói: Các bạn ơi! Tớ đói quá! Tớ chẳng tìm ra cái gì trong rừng để ăn cả!

* Đoạn 4 – Tranh 4

Sơn ca bỗng chợt hiểu ra, nó nói với các bạn rằng: Chúng mình mỗi người thuộc về một nơi khác nhau, mỗi người có một khả năng riêng thế nhưng chúng mình mãi là bạn của nhau nhé!

Ếch ộp, nai vàng đồng thanh: Tất nhiên rồi!

V. Vận dụng

Câu hỏi: Kể cho người thân nghe câu chuyện Chúng mình là bạn.

Trả lời:

Ếch ộp sinh sống dưới nước, sơn ca bay lượn trên bầu trời, nai vàng sống trong rừng sâu, mỗi bạn một nơi sinh sống khác nhau. Thế nhưng, ba bạn lại là những người bạn thân thiết của nhau. Hằng ngày, các bạn thường cùng nhau vui đùa và kể cho nhau nghe những gì mình được chứng kiến.

Sơn ca cất tiếng véo von kể cho hai bạn nghe về những chuyện nơi mình đã bay qua. Ếch ộp cất giọng ồm ồm kể chuyện mẹ con nhà cua, nhà cá, chuyện nhà ốc,… Nai vàng chầm chậm kể chuyện rừng núi hùng vĩ và bí hiểm. Nhờ vậy, ba bạn cũng hiểu thêm được rất nhiều điều thú vị ở những nơi mình chưa được đặt chân tới.

Thế nhưng sơn ca, nai vàng và ếch ộp lại muốn tận mắt chứng kiến những cảnh mà mình đã được nghe kể. Ba bạn cùng bàn bạc để đổi chỗ ở cho nhau: chim sơn ca thì xuống nước, ếch ộp vào rừng, nai vàng thì tập bay.

Sơn ca dang cánh lao xuống nước nhưng nó vội vàng phải bay lên ngay. Mình mẩy ướt sũng và ho sặc. Nó chợt hiểu ra mình không biết bơi nên chẳng thể sống dưới nước được.

Nai vàng trèo lên mỏm đá để tập bay. Nó co chân rồi tung mình vào khoảng không như sơn ca thường làm. Thế nhưng nó lại bị ngã xuống cỏ đau điếng. Nó hiểu ra rằng mình không biết bay làm sao có thể bay lượn trên bầu trời như bạn mình.

Cùng lúc đó, ếch ộp cũng nhảy từ trong rừng ra và nói: Các bạn ơi! Tớ đói quá! Tớ chẳng tìm ra cái gì trong rừng để ăn cả!

Sơn ca bỗng chợt hiểu ra, nó nói với các bạn rằng: Chúng mình mỗi người thuộc về một nơi khác nhau, mỗi người có một khả năng riêng thế nhưng chúng mình mãi là bạn của nhau nhé!

Ếch ộp, nai vàng đồng thanh: Tất nhiên rồi!

Trên đây là cách soạn Tiếng Việt lớp 2, Tuần 12 - Bài 21 “Thả diều” trong chương trình sách mới Kết nối tri thức mà các bạn học sinh có thể tham khảo. Mong rằng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bài học này!

Có thể bạn quan tâm

Không có bài viết nào